Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Khi công tử chê tiền


Tất cả nỗi khổ đau đều có nguyên nhân sâu xa của nó do thói quen huân tập của mỗi người mà dẫn đến hậu quả như tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, không có gì là khi không bỗng dưng mà có, hay do đấng quyền năng nào tạo ra. Nguyên nhân mọi sự đau khổ đều do tham-sân-si tạo thành, nên biết được gốc rễ, cội nguồi của chúng thì ta sẽ biết cách mà khắc phục. Thời Phật tại thế, Cấp Cố Độc là nhà giàu sang bậc nhất, lúc nào ông cũng sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khổ, bần hàn, bệnh tật, không nơi nương tựa. Ông phát nguyện đời đời, kiếp kiếp cúng dường Tam Bảo và thực hành bố thí với tấm lòng chí thành, chí kính. Ông đã bỏ ra một số vàng khổng lồ để mua khu vườn của Thái tử Kỳ-đà cất Tịnh xá cho giáo đoàn của đức Phật. Ngược lại với cha, con trai của ông tên là Kỳ-la làm quan dưới thời vua Ba-tư-nặc chẳng tin kính Tam Bảo, lại còn phỉ báng, phê bình cha mình đem của cải bố thí cho mấy ông Sa-môn ăn không ngồi rồi. Một hôm, vua Ba-tư-nặc cùng Mạt-lợi hoàng hậu thiết lễ cúng dường trai Tăng tại hoàng cung, công tử Kỳ-la tỏ vẻ không đồng ý, bất bình nói những lời bất kính, vô lễ. Đức Phật biết được tâm ý của Kỳ-la, sau khi thuyết giảng xong, Ngài nói bài kệ: Người bỏn xẻn không sinh cõi trời Người ngu không ưa việc bố thí Người trí sinh lòng tùy hỷ Vì vậy mọi người đều được an lạc. Chuyện đến tai vua Ba-tư-nặc, Kỳ-la bị nhà vua cho thôi việc; từ đó Kỳ-la càng thêm oán ghét đức Phật và Tăng chúng. Lần nào trưởng giả Cấp Cô Độc thiết lễ cúng dường trai Tăng tại nhà, Kỳ-la đều có thái độ bực bội, tìm cách vắng nhà. Sau nhiều lần khuyên nhủ, chỉ dạy con mình bất thành, Cấp Cô Độc không cách nào thuyết phục được đứa con ngỗ nghịch; cuối cùng, ông nghĩ ra diệu kế gọi con đến dỗ ngọt, hy vọng con mình sẽ chấp nhận, “lúc này cha quá bề bộn công việc không đến Tịnh xá Kỳ Viên để nghe Pháp được, cha nhờ con đi nghe giúp, cha sẽ chi cho con 100 đồng tiền vàng”. Vừa nghe chuyện, Kỳ-la đã muốn nổi cáu lên, nhưng thấy cha chi số tiền quá lớn, máu tham khởi dậy nên Kỳ-la vui vẻ nhận lời đi đến Tịnh xá kỳ Viên để nghe thuyết Pháp. Trước khi đi, công tử còn nói với cha, “sau khi con đi nghe Pháp về cha phải giữ đúng lời hứa chi ngay cho con 100 đồng tiền vàng đấy”. Cấp Cô Độc thấy con thay đổi thái độ, trong lòng mừng vui nói, “từ xưa đến nay cha có bao giờ nói gạt con đâu? Con cứ an tâm đi nghe Pháp thay cha”. Tờ mờ sáng, công tử Kỳ-la đã điểm tâm xong và thẳng đến Tịnh xá Kỳ Viên tìm chỗ vắng vẻ đánh một giấc tới chiều thức dậy đi về. Thế là một ngày trôi qua, Kỳ-la về nhà xin cha số tiền đã hứa. Sau khi đưa tiền cho con xong, trưởng giả còn khen con trai lúc này giỏi lắm, khi nào ông bận việc thì Kỳ-la lại đi nghe Pháp hộ ông. Kỳ-la vui vẻ nói với cha, “cha cứ yên trí, con lúc nào cũng sẵn sàng đi nghe Pháp giúp cha”. Vừa nói, Kỳ-la vừa săm se những đồng tiền vàng, trong lòng cảm thấy rất khoái chí, “không biết mấy ông Sa-môn đầu trọc kia có bí quyết gì mà cha mình mê đến thế?” Ngày tháng trôi qua, việc đi nghe Pháp giúp cha cứ diễn ra y như thế, riết rồi trở thành thói quen. Một hôm, Cấp Cô Độc gọi con lại nói rằng, “hôm nay có thời thuyết Pháp rất quan trọng, con phải nhớ ít nhất 4 câu kệ để về nói lại cho cha nghe. Nếu con ghi nhớ và thuộc lòng nhiều hơn, cha sẽ thưởng con 500 đồng tiền vàng”. Nghe cha nói thế, hôm ấy Kỳ-la đến Tịnh xá Kỳ Viên thật sớm, cố học thuộc 4 câu kệ rồi về sớm để đi xem hát. Nhờ trí thông minh sẵn có, Kỳ-la dễ dàng thuộc lòng 4 câu kệ Phật nói rồi vội vã quay về. Đi được một quãng, Kỳ-la không hiểu ý nghĩa bài kệ nên quay lại xin Phật giải thích. Kỳ-la chăm chú nghe Phật giảng ý nghĩa từng câu, từng chữ của bài kệ. Do nhân duyên lành đời trước khai phát giống như đang ở trong nhà tối bỗng dưng có đèn sáng lên làm rõ mọi vật; sau thời Pháp, Kỳ-la chứng quả Tu-đà-hoàn. Đây là quả vị đầu tiên trong 4 quả Thanh Văn, còn có nghĩa là Nhập Lưu hay Dự Lưu, tức nhập vào dòng Thánh, không còn bị đọa lạc trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) nữa. Hôm ấy, Kỳ la về nhà trong lòng vô cùng hoan hỷ đem bài kệ giảng lại cho cha nghe một cách mạch lạc, rạch ròi, không sót một ý nào. Cấp Cô Độc ngỡ ngàng, không ngờ con trai mình hôm nay thông đạt Phật pháp đến thế, lại không thấy con nhắc đến việc cho 500 đồng tiền vàng. Hôm sau, ông đến cung thỉnh đức Phật cùng chư Tăng đến nhà để cúng dường Trai Tăng. Sau lễ cúng dường, trước mặt đức Phật và chư Tăng, ông muốn tán thưởng người con trai của mình theo đúng lời hứa, ông lấy 500 đồng tiền vàng ra trao cho Kỳ-la. Bất ngờ thay, Kỳ-la lúc này dứt khoát không nhận những đồng tiền của cha mà còn xin cha cất giữ để cúng dường Tam Bảo. Đồng thời Kỳ-la xin đức Phật được quy y Tam Bảo. Được đức Phật chấp nhận, Kỳ-la xin phát lời thề nguyện, “suốt đời con nguyện theo gương cha luôn làm việc thiện lành, giúp đỡ người nghèo khó và cúng dường Tam Bảo”. Cấp Cô Độc cảm thấy quá bất ngờ trước sự nhiệm mầu của Phật pháp đã chuyển hóa người con trai tham lam, ích kỷ, tật đố của mình một cách nhanh chóng như vậy. Nhân đó, ông xin đức Phật giải thích lý do về sự chuyển hóa này. Đức Phật cho ông biết Kỳ-la đã chứng được quả vị Tu-đà-hoàn. Người chứng quả vị này đã dứt trừ được cái thấy sai lầm về sự sống. Vì vậy, người này dứt được 3 kiết sử: thân kiến, nghi ngờ và giới cấm thủ; tức là không còn cái thấy sai lầm về thân, thân này như thế nào thì thấy rõ ràng như thế đó, thân này do nhân duyên hòa hợp của 4 đại mà thành nên nó không thật có. Người chứng quả Tu-đà-hoàn thấy rõ được thân không thật có, khi đủ duyên thì có thân này, khi hết duyên thì thay hình đổi dạng chứ không mất hẳn. Nhờ thấy biết như vậy nên ta bớt chấp trước, tham đắm vào sắc thân mà làm tổn hại cho người. Thấy hiểu đúng như vậy ta cố gắng tu hành chuyển hóa những thói hư, tật xấu để sống tốt trên cõi đời này, nếu không giúp ích cho ai thì ít ra cũng không tạo đau khổ cho ai. Người chứng quả Tu-đà-hoàn sẽ không còn thoái đọa vào các đường ác vì đã thấu hiểu rõ ràng quả báo của sự làm ác. Thứ đến, người chứng quả Tu-đà-hoàn không còn nghi ngờ những lời Phật dạy về pháp Tứ Đế, tức 4 điều chắc thật về sự khổ của chúng sinh: khổ vì sinh-già-bệnh-chết, khổ vì sự mất mát, khổ vì mong cầu không được như ý, khổ vì oán ghét mà gặp nhau hoài, khổ vì sự tương tàn, tương sát của con người với nhau, khổ vì thiên tai, hỏa họan, thiếu ăn, thiếu mặc… Tất cả nỗi khổ đau đều có nguyên nhân sâu xa của nó do thói quen huân tập của mỗi người mà dẫn đến hậu quả như tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến… Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân chứ không có gì là khi không, bỗng dưng mà có, hay do một đấng quyền năng nào tạo ra. Con người bị khổ hầu hết là do lòng tham mà ra, không thỏa mãn lòng tham sẽ sinh nóng giận, hận thù; còn về lý trí thì khổ là do vô minh mà ra. Như vậy, nguyên nhân của sự đau khổ là do tham-sân-si tạo thành. Biết được nguyên nhân, gốc rễ, cội nguồi của mọi khổ đau, ta phải tìm cách thoát khổ. Quan trọng nhất là ta phải làm thế nào diệt trừ cho được những thói quen xấu sinh ra từ tham-sân-si. Khi biết được nguyên nhân rồi ta tìm cách dập tắt, tiêu trừ bằng các phương pháp tu tập để chuyển hóa. Ở đây, đức Phật chỉ cho ta cái quả an ổn, hạnh phúc tột cùng là Diệt Đế (quả vị cao nhất của người tu đạo Phật). Sau đó, Ngài mới hướng dẫn cho ta con đường dẫn đến cái quả Diệt Đế bằng các phương pháp tu tập, hành trì là Đạo Đế. Quả thật, đức Phật là một nhà tâm lý đại tài, muốn hướng dẫn chúng sinh đến với đạo Ngài chỉ quả trước là an lạc, hạnh phúc, tự do, tự tại, giải thoát để ta thấy được lợi ích mà phát tâm tu hành rồi Ngài mới chỉ cách thức để đạt được quả ấy. 

THÍCH ĐẠT MA PHỔ GIÁC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét