Để nối gần khoảng cách giữa người & người tuy cần nhiều yếu tố nhưng nếu ta biết lựa chọn đúng những từ ngữ khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh thì sẽ thu được sự đồng tình, tình cảm, sự tôn trọng của đối tượng giao tiếp. Ngược lại, nếu ta ăn nói quá thô lỗ thì có thể gây mất lòng người khác hay gây ra những hiểu lầm khiến cho quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng hay xảy ra thù hận, căm ghét.
KHÔNG NÊN NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC
KHÔNG NÊN NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC
Con người là một loài vật cao cấp hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy nghĩ, nói năng rồi mới hành động. Nói là một khả năng đặc biệt của con người, mọi việc vui buồn, sướng khổ đều phát xuất từ lời nói. Lời nói có thể làm cho ta thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, hay ganh ghét, hận thù, triệt tiêu, hủy diệt. Cho nên có câu:
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tôi có khiếm khuyết là hay nói xấu người khác, hễ không vừa lòng chuyện gì là nói mạnh bạo, chẳng biết nể sợ một ai, dù đó là người ơn. Chính vì vậy, cuộc đời của tôi cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm, ba chìm bảy nổi, chín cái lên đênh. Ai cũng sĩ diện bản ngã của mình, nên nói lỗi người khác dễ dẫn đến bất hòa và tranh chấp. Nếu không nói thì trở thành tín đồ cuồng si, chỉ biết vâng theo mệnh lệnh của người có quyền lực. Như thế vô tình đưa đẩy các sếp của mình trở thành những con người phong kiến cấp tiến. Ngày xưa, các thể chế phong kiến coi vua là con trời, mà trời là đấng tối cao có quyền ban phước giáng họa, bề trên là tôn quý, bề dưới là phục tùng. Ngày nay, các tập tục đó đã từ từ được thay thế cho chế độ chuyên chính dân chủ, chính con người làm chủ vận mệnh và cùng nhau biết cách vận dụng, kết hợp với nhiều người. Chế độ quân chủ phong kiến trên nền tảng cá nhân quyết định mọi quyền lực bằng sự độc đoán, độc tài khi con người còn mờ mịt trong hiểu biết. Người sau này khôn ngoan hơn, cũng chính sách phong kiến độc tôn triển khai thành phong kiến cấp tiến để củng cố, duy trì địa vị của mình và được xây dựng trên nền tảng bản ngã nhiều người có quyền lực. Nói lỗi lầm của người khác trên tinh thần góp ý, xây dựng để cùng nhau dấn thân và phục vụ đời sống xã hội ngày càng tốt đẹp; hay nói lỗi lầm ai đó nhằm triệt buộc hoặc hạ bệ người khác để trả thù cá nhân. Thông thường thì chúng ta hay ngồi lại với nhau để nói lỗi lầm của người khác, vì chúng ta nghĩ mình là người tốt, còn người kia là người xấu. Có khi chúng ta nói xấu người khác vì ganh ghét họ, thấy họ hơn mình về địa vị và quyền lực. Khi chúng ta không làm chủ bản thân, trong cơn tức giận ta có thể nói xấu người khác. Đôi khi chúng ta nói xấu người khác để lôi kéo mọi người về phe của mình.
Nói xấu người khác sẽ dẫn đến tai hại như thế nào? Chính khi đang nói xấu người, mình cảm thấy bực bội, tức tối, và dường như chính mình cũng bất an khi phanh phui lỗi của người. Khi chúng ta thấy lỗi của người khác là chúng ta có thể bỏ mất cơ hội hiểu biết và thương yêu hơn. Một lời nói tốt đẹp có thể đem lại hòa bình cho nhân loại, một lời nói thách thức có thể gây ra chiến tranh. Nói xấu người khác có được lợi ích gì? Thường thì không được lợi ích gì cả, mà ta phải mang khẩu nghiệp ác. Khi nói xấu người thì bị người nói xấu lại, có khi dẫn đến gây gổ, xích mích, hiềm thù nhau. Cho nên, chúng ta nguyện không nói lỗi lầm của người khác để khẩu nghiệp của ta được thanh tịnh, do đó ta có thời gian quán chiếu, soi sáng sự vật một cách tốt đẹp. Khi chúng ta tức giận ai, chúng ta dễ dàng nói xấu người đó để thuyết phục mọi người đứng về phía mình. Có khi chúng ta nói xấu người vì ganh ghét, nói xấu người vì họ hơn mình, nói xấu người để hả cơn giận. Vậy nói xấu người khác để được lợi ích gì? Chắc chắn chúng ta sẽ mang lấy khổ đau, giống như người đốt đuốc đi ngược chiều gió, người thì chưa nghe, chưa biết nhưng ta đã bốc lửa sân si tự thiêu đốt chính mình. Khi nói xấu người khác, chính bản thân ta đã phải chịu bất an, vì khi nói xấu ai đó tức có sự nóng giận nên ta cảm thấy mình là kẻ khổ trước tiên.
Để đối trị bệnh nói xấu người khác, ta hãy nhìn thấy cái hay của họ. Nếu ta để ý điều tốt của họ thì ta sẽ không thấy lỗi lầm, vì ta thấy việc tốt nên sinh tâm hoan hỷ. Có nhiều người chỉ thích nói sự thật chứ không thích nói để được lòng thiên hạ, họ tôn trọng cái thực nên lúc nào cũng thẳng ruột nói đúng mục đích, do đó bị nhiều người tỵ hiềm, ganh ghét, chờ thời cơ trả thù. Ai cũng biết rằng, nói sự thật là quý giá nhất trên đời, nhưng thuốc đắng dã tật, người thật mất lòng. Khó có ai đủ can đảm nhìn nhận sự thật, vì sự thật lúc nào cũng phũ phàng. Nhất là nói sự thật với những người có quyền thế thì dễ bị mang họa vào thân, vì người có quyền nên sĩ diện bản ngã lớn hơn ông trời con. Nói sự thật là một điều tốt, nhưng vẫn còn tùy thuận vào môi trường sống của chúng ta. Nếu chúng ta cứ một bề chấp chặt vào sự thật, e có ngày ta sẽ gặp hiểm nguy vì kẻ tiểu nhân sẵn sàng chống trả quyết liệt bằng mọi cách. Như thế, dù nói sự thật cũng chưa hẳn là giải pháp tốt để giúp mọi người thăng hoa trong cuộc sống. Nhưng nếu nói sự thật để bảo vệ chân lý vì sự sống còn của nhân loại, vì lợi ích cho nhiều người thì dù có chết, ta vẫn nói. Nói để làm gì? Nói để đem lại công bằng cho nhân loại. Nhưng nếu nói sự thật làm cho đối phương không còn cơ hội để được sống yêu thương và tác hại lớn đến cộng đồng xã hội, thì ta phải khéo léo che giấu bớt.
Tóm lại, nói xấu người khác là căn bệnh trầm kha của đa số con người, là thói quen thâm căn cố đế do chấp ngã gây ra. Trong lúc nóng giận dễ phát sinh những lời nói xấu người khác, hoặc thấy ta đúng người sai nên hay nói xấu người khác.; hoặc ta muốn hạ bệ người để tranh giành quyền lựcnên nói xấu kẻ khác để kéo họ về phe ta. Trong sự tương quan giao tiếp hằng ngày, mọi sự xích mích, bất hòa đều bắt nguồn từ việc nghĩ xấu và nói xấu người khác. Khi nói xấu người khác tức tâm ta có sân hận, bực tức, khó chịu, ta đang làm tổn thương mình và người. Vì sao? Vì mình đang đưa khối u ung nhọt vào trong lòng mình, nên lúc nào nghĩ tới người đó là ta khổ não. Ta tự giết chết ta lần mòn trong đau khổ, bởi khi nghĩ xấu và nói xấu người khác tâm ta bị vẩn đục và gây thêm nghiệp ân oán, thù hằn. Muốn không nói xấu người khác ta phải tập đừng nhìn thấy lỗi người, vì khi thấy lỗi người ta dễ dàng bị kích thích, tác động do thói quen nhiều đời tranh hơn, tranh thua; hơn thì sinh cống cao ngã mạn, thua thì sinh oán hờn, tìm cách nói lỗi của nhau. Không nghĩ xấu và nói xấu người là một hạnh tu rất khó làm, không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể thực hiện được.
Nói là một khả năng đặc biệt của con người, là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất để chúng ta tiếp nhận những giá trị sống bằng sự yêu thương hay ghét bỏ. Lời nói rất lợi hại trong khi giao tiếp với mọi người, một lời nói tốt có thể đem lại thiện cảm cho nhau và ngược lại sẽ sinh ra hận thù. Nghĩ xấu người khác chỉ làm cho tâm ta tổn thương, còn nói xấu người khác làm cho hai người đều tổn thương. Nhưng ngược đời thay, có những kẻ phải nói mạnh như thế họ mới chịu sửa sai, còn dùng lời nói ái ngữ đối với họ chẳng áp phê gì. Quả thật, tâm tính chúng sinh do tạo nghiệp bất đồng nên chẳng ai giống ai, cũng lời nói đó đem áp dụng với người này thì có hiệu quả tốt, nhưng đem áp dụng với người kia thì đổ vỡ. Chúng ta có tật hay nói, thích nói, hễ ngồi lại cùng nhau là nói chuyện phải quấy, tốt xấu, hơn thua, chê bai người này, chỉ trích người kia. Để chuyển hóa nghiệp nói xấu người khác, đầu tiên chúng ta tập ý không nghĩ xấu người khác, ý đã không nghĩ xấu thì miệng không bao giờ nói xấu. Ta lỡ nói xấu một người phàm tình thì khả dĩ tội còn nhẹ, còn nếu nói xấu một bậc đạo cao đức trọng thì e rằng khó ngóc đầu lên nổi. Vì sao? Bậc đạo cao đức trọng đã hy sinh cả đời người chỉ vì lợi ích tha nhân mà không màng đến chính mình, vị ấy đã hết lòng vì chúng sinh để hướng dẫn điều hay, lẽ phải giúp con người từ tội lỗi xấu xa trở thành người hiền lương trong sạch. Xã hội ngày nay do tiếp thu quá nhanh nền văn minh vật chất hiện đại, nên buộc con người càng sống giả dối nhiều hơn, cũng chỉ vì quyền lợi riêng tư mà ra. Nói xấu để làm hại người tu hành chân chính quả báo sẽ bị si mê, đần độn vô số kiếp, hiện đời mất hạt giống tưới tẩm từ bi, hạnh phúc để rồi không còn cơ hội làm lành, lánh dữ.
Muốn tránh điều này ta phải học hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm, luôn lắng nghe tiếng nói của tha nhân, luôn lắng nghe tiếng kêu cứu khổ, luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mọi người, để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Hay ta học hạnh lễ xá của Bồ tát Thường Bất Khinh, luôn thấp mình khiêm cung lễ xá mọi người vì thấy ai cũng sẽ thành Phật trong tương lai. Dù bị ai nói nặng, nói nhẹ hay mắng chửi thậm tệ hoặc bị đánh đập tàn nhẫn, nhưng Bồ tát vẫn một lòng không oán giận mà còn thương cho người đó nhiều hơn, vì người này còn quá mê muội nên mới hành động một cách dại khờ. Ngoài việc thực tập các công hạnh của Bồ tát, chúng ta còn học hạnh tùy hỷ khen tặng người khi thấy họ làm việc phước thiện. Đa số chúng ta thích khen hơn là bị chê, khi thấy ai làm một điều xấu gì đó, ta phải quán tha thứ vì họ bị vô minh che lấp, họ đáng thương hơn đang ghét nên ta không nói xấu họ. Khi thấy ai làm một điều tốt, ta nên khen ngợi, khích lệ họ, để ta và người cùng vui vẻ sống với nhau mà được kết nối yêu thương bằng trái tim hiểu biết.
HÃY NÊN NÓI LỜI XIN LỖI
Trong cuộc sống hằng ngày, có khi một lời nói vô tình, một hành động vô ý cũng có thể làm cho ta hiểu lầm nhau mà sinh ra ân oán, hận thù. Cho nên, nói lời xin lỗi là cách thức để làm xoa dịu vết thương lòng giữa hai người khi ta lỡ làm cho ai buồn giận. Trong một gia đình, nếu con biết xin lỗi cha mẹ, chồng biết nhường nhịn vợ, vợ biết xin lỗi chồng, anh chị em biết xin lỗi với nhau thì gia đình đó thật sự sống có yêu thương và hạnh phúc tràn đầy. Trong quan hệ giao tiếp xã hội, ai cũng ý thức quay lại chính mình nên dễ nhận ra sai sót bản thân mà thành thật xin lỗi cùng nhau, và mong rằng chúng ta ai cũng biết cảm thông và tha thứ, thì thế gian này làm sao có chiến tranh, binh đao tàn sát, giết hại lẫn nhau. Ngoài ra, về giá trị tinh thần, lời nói thể hiện tác phong đaọ đức lẫn như trình độ văn hóa của từng người. Nếu ta biết lựa chọn đúng những từ ngữ khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh thì sẽ thu được sự đồng tình, tình cảm, sự tôn trọng của đối tượng giao tiếp. Ngược lại, nếu ta ăn nói quá thô lỗ thì có thể gây mất lòng người khác hay gây ra những hiểu lầm khiến cho quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng hay xảy ra thù hận, căm ghét, hậu quả tai hại khó lường.
Tuy thế, trong cuộc sống, có những lời nói có thể làm lắng đọng lòng người, để lại ấn tượng và cảm xúc đẹp trong khi giao tiếp, xóa tan khoảng cách giữa hai con người xa lạ với nhau. Và ngược lại, chỉ vì những xích mích trong lời nói mà có thể dẫn tới chiến tranh, lòng thù ghét giữa con người với nhau hay những vụ ẩu đả giữa những đấng trí thức có học. Sở dĩ con người hận thù nhau, ghét bỏ nhau, oán hờn nhau, cho đến đánh nhau, giết nhau cũng bởi chúng ta ai cung thấy mình đúng. Chúng ta cần tránh lời nói thô kệch, cộc lốc, hớ hênh, vô phép, bởi những điều đó tạo ra định kiến xấu về phẩm chất của ta; cũng không nên dùng những từ ngữ quá bóng bẩy, kiêu kỳ, bởi mục đích giao tiếp không phải là sự nể nang mà là sự đồng tình quan điểm, tình cảm của đối tượng giao tiếp. Như thế, ta cần phải luyện cho mình một kỹ năng nói đúng cách, giản dị, sáng suốt, bình tĩnh và phù hợp với đạo đức xã hội. Và trên hết, cần tránh lối nói chen vào ngôn ngữ khác trong khi giao tiếp bằng tiếng Việt, đây là lối sống không tốt đang được giới trẻ phổ biến. Vì thế, nếu biết “lựa lời mà nói” thì ta sẽ giành được tình cảm của mọi người, khẳng định được giá trị của bản thân. Một lời nói vô tình, một hành động vô ý cũng dễ làm cho người khác hiểu lầm mà sinh oán hờn, do đó dễ dàng gây đau khổ cho nhau. Có người mở miệng nói dù chỉ một lời người nào cũng ưa, cũng thương, cũng mến, cũng có cảm tình, cũng tin tưởng được, cũng đều nghe theo; cũng có người mở miệng nói dù có nói nhiều cũng không ai tin, cũng không ai nghe, cũng không ai ưa, cũng không ai thích. Có những lời nói đem lại sự mát dịu trong tâm hồn người nghe. Người nghe có cảm giác như vừa uống được một ngụm nước cam lồ tươi mát; cũng có những lời nói khiến người nghe phải bực bội, khó chịu, làm cho người đó ngất xỉu hay gục ngã luôn.
Nói lời xin lỗi là một phương pháp hữu hiệu nhanh nhất để con người cùng ngồi lại bên nhau mà cùng nhau kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống. Không ai có thể cố chấp quá độ khi người thân của mình đã mở lời xin lỗi, chỉ có người quá thành kiến sâu nặng mới không cảm thông và tha thứ cho người ấy. Vì thế, để học tập những kinh nghiệm quý báu ấy, chúng ta sẽ bắt đầu rèn luyện cách đối đáp hay, ngắn gọn, rành mạch, lễ phép, thông qua cách thức giao tiếp hằng ngày, nhờ vậy ít bị đụng chạm mà làm cho người khác phiền muộn, khổ đau. Nói lời xin lỗi là món ăn tinh thần rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nếu khi ta đã lỡ làm cho ai đó buồn phiền hoặc khổ đau, ta hãy nói lời xin lỗi một cách thành tâm, để người cảm thông mà tha thứ cho ta là phương pháp duy nhất giúp ta xóa bỏ ân oán, hận thù. Con xin lỗi cha mẹ vì lỡ lầm nghe theo bạn bè xấu xúi dại. Vợ xin lỗi chồng vì lỡ lời nói nặng, chồng xin lỗi vợ vì ham vui với bạn bè mà để vợ và con ăn cơm một mình. Cha xin lỗi con vì nóng giận quá mức nên tát con một bạt tay như thế. Anh nhân viên xin lỗi ông giám đốc vì sáng nay kẹt xe nên đến cơ quan trễ v.v… Nói lời xin lỗi là cách thức làm mới lại chính mình, giúp ta biết cảm thông và tha thứ cho nhau, nhờ vậy cùng nhau sống yêu thương và cùng nhau gánh trách nhiệm để làm tròn bổn phận đối với gia đình và đảm đương việc xã hội được tốt hơn.
KHÔNG NÊN NÓI DỐI GẠT HẠI NGƯỜI
Nói dối hay còn gọi là nói láo, tức là chuyện có nói không, chuyện không nói có, hứa hẹn với người khác rồi nuốt lời. Tự mình nói dối để lừa gạt người dưới nhiều hình thức, rồi xúi bảo kẻ khác nói dối hoặc thích thú trong lời nói dối gạt và khen ngợi lời nói dối. Mục đích của lời nói dối cũng để lường gạt người khác hoặc để người ta thương tâm mà giúp đỡ mình. Lời nói dối có nhiều cách, do ganh ghét tật đố mà nói dối để hại người khác. Một người nói dối thường gây ra nhiều tội lỗi bằng nhiều hình thức cũng chỉ vì bảo vệ quyền lợi riêng tư. Ngày xưa có một bà hoàng hậu nổi tiếng là hiền từ nhân đức. Từ khi có một ái phi trẻ đẹp được lòng nhà vua nên từ đó vua ít quan tâm đến hoàng hậulàm bà vô cùng đau khổ; biết vua đam mê người thiếp trẻ nên hằng ngày bà lân la tiếp cận, gần gũi, tỏ vẻ mình là người chị luôn thương yêu quan tâm giúp đỡ, mục đích là để tìm cách hại người thiếp kia. Vì sự san sẻ giữa nhà vua và người thiếp trẻ nên bà trở thành một người độc ác vì bị mất phần yêu thương. Do khôn ngoan, mưu mẹo nên bà lúc nào cũng làm cho người thiếp trẻ hài lòng, vua thương nàng ấy bao nhiêu thì hoàng hậu càng tỏ ra chăm sóc, lo lắng cho nàng nhiều hơn, nhờ vậy hoàng hậu lấy lòng người thiếp trẻ dễ dàng. Hai chị em sống bên nhau vui vẻ, hạnh phúc khiến mọi người trong cung ai cũng thầm mơ ước. Hoàng hậu lúc nào cũng khen “ái phi trẻ đẹp mà lại dễ thương, từ lời ăn tiếng nói cho đến dáng đi không có chỗ nào chê, nhưng có một điều bị nhà vua chê vì lỗ mũi của em hơi xếch, khi nào gần vuaem nên lấy khăn che mũi lạithì càng tăng thêm vẻ đẹp, chắc chắn nhà vua sẽ yêu thương em nhiều hơn”. Nàng thiếp trẻ bị trúng kế độc của hoàng hậu mà không hay không biết. Một hôm, đang họp cùng triều thần, nhà vua thấy ái phi của mình che kín lỗ mũi bằng chiếc khăn lụa đẹp. Ngạc nhiên quá, nhà vua quay sang hỏi hoàng hậu, ái phi của ta nay sao lạ quá. Hoàng hậu giả vờ như không biết chuyện gì làm cho nhà vua càng thêm tức tối, gạn hỏi mãi. Hoàng hậu biết thời cơ đã đến nên liền nói khéo, “ái phi chê bệ hạ hôi nên lấy khăn che mũi lại đó”. Bị thọt gậy bánh xe làm nhà vua tức quá, đùng đùng nỗi giận, “cha chả ái phi dám cả gan khinh thường ta hả. Quân đâu, xẽo lỗ mũi ái phi ngay liền lập tức và giam vào lãnh cung cho ta”. Thế là tiêu đời nhà ma nàng ái phi, vì chút ganh ghét và tật đố của hoàng hậu đã đưa nàng vào chỗ khốn cùng, phải chịu thân tàn, ma dại.
Làm vua thì được ăn trên ngồi trước, có kẻ hầu người hạ, muốn gì được đó, cung phi mỹ nữ vô số để phục vụ cho riêng mình. Chế độ phong kiến độc tôn. độc quyền cai trị dưới nhãn mác thần linh, thượng đế ban phước giáng họa, ai được vua thương thì sống đời vương giả, ai bị vua ghét thì cuộc đời đen tối, hoàng hậu biết khai thác chỗ yếu của nhà vua nên dễ dàng hạ tình địch. Ngày nay, bệnh thành tích là một vấn nạn lớn mà xã hội cần phải quan tâm, báo cáo dối, quảng cáo sai sự thật, số đông cùng bao che, bít lấp, tạo nên thị trường dối gian, riết rồi nói dối trở thành một nghệ thuật để lừa bịp thiên hạ, làm mất lòng tin của nhiều người. Chúng ta có thể dối lừa người khác qua mặt pháp luật, nhưng không dối lừa chính mình và luật nhân quả. Cho nên, mục đích của nói dối là lừa người, gạt người, hại người đang lan tràn khắp mọi nơi bằng nhiều hình thức, do đó mọi người cần phải sống trung thực và thành thật để góp phần bài trừ sự tiêu cực trong bệnh báo cáo thành tích.Như có gia đình kia đi tham quan du lịch nhân ngày nghỉ cuối tuần, ưu tiên cho trẻ em dưới sáu tuổi không mua vé. Nếu cha mẹ vì lòng tham có thể nói dối để khỏi mua vé cho con, vô tình chỉ dạy con mình nói dối. Cha mẹ dạy con như thế sau này lớn lên đứa bé sẽ mưu mô, xảo quyệt để tìm cách lường gạt người khác. Hoặc khi cha mẹ thấy con mình đi học về, kiểm tra thấy dư dụng cụ học trong cặp, thì ta phải hỏi “cái này phải con mượn của bạn không, nếu có mượn thì hãy nhớ trả con nhé. Nếu đã lỡ ăn cắp của bạn thì ngày mai phải đem trả ngay và nói lời xin lỗi”. Làm bậc cha mẹ phải biết dạy con từ tuổi ấu thơ, không nên tập cho con mình nói dối, không nên tập cho con mình lấy của người khác. Thường trộm cắp của người khác đi kèm với nói dối để che dấu tội lỗi của mình là hành động xấu, mọi người phải kiên quyết tránh xa. Thường con người hay nói trái với sự thật là mưu cầu lợi ích cho riêng mình, hoặc để hại người là một hành động xấu. Từ động cơ tham lam và ích kỷ nên ta hay nói dối để lường gạt người khác. Người nói dối là người không có lòng nhân, không có đạo đức, không xứng đáng là một Phật tử. Trừ trường hợp nói dối để cứu người cứu vật, vì sợ nói thiệt làm cho người khổ đau hay bị hành hạ. Không nói dối hại người là pháp tu căn bản để giúp nhân loại có lòng tin với nhau mà sống tốt hơn.
KHÔNG NÊN NÓI LỜI THÔ LỖ, CỘC CẰN
Tâm buồn lời nói cộc cằn,
Tâm vui lời nói dịu dàng dễ nghe.
Đã làm người trên thế gian này ai cũng có thể đã từng nóng giận nên nói những lời thô lỗ, cộc cằn làm cho người sinh bực bội và hờn dỗi. Nóng giận là một thói quen xấu làm cho ta và người sinh ra thù oán với nhau. Nói năng là phương tiện để mọi người có dịp bày tỏ, tâm tình, chia sẻ và cùng hướng dẫn cho nhau để được kết nối yêu thương mà làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình và xã hội. Có một chú sa di nọ thói quen hay nói lời thô lỗ, cộc cằn. Tuy đã xuất gia hơn 10 năm nhưng vẫn chứng nào tật nấy, lúc nào chú cũng thô lỗ, cộc cằn với mọi người. Nhiều lần chú được chư huynh đệ góp ý, nhắc nhở, động viên, nhưng vẫn không kết quả. Một hôm, sư phụ trao cho chú một túi đinh và căn dặn kỹ càng “khi nào con nổi nóng hoặc nặng lời với ai thì con lấy một cây đinh đóng vào hàng rào gỗ phía sau chùa, rồi con tự suy gẫm lại việc làm của mình”. Người hay nói lời thô lỗ cộc cằn là người chấp trước, bám víu vào cái thân này là ta, là của ta, do đó mà nội tâm luôn bị bốc cháy bởi uất ức, tức tối, bực dọc, nên nói năng làm người nghe khó chịu, đau lòng. Người Phật tử chân chánh không được nói lời nặng nhẹ, mắng chửi, nguyền rủa, hoặc dùng lời đay nghiến để bôi nhọ danh dự hay bươi móc, kêu tên ông bà cha mẹ người ta ra lăng nhục, phỉ nhổ, để làm mất tín tâm với mọi người. Khi bị ai nói nặng hoặc mắng chửi, sỉ nhục, đối xử tệ bạc với mình nhưng vì có sức nhẫn chịu nên tạm thời quên hết mà cho qua, nên đâu có khổ hay bị dằn dặt. Tuy nhiên, ta tạm thời cho qua vì hoàn cảnh, vì việc làm, dù sao tâm ta vẫn bị tổn thương nên ta cứ nhớ đến chuyện đó hoài. Tâm ta cứ sôi sục, uất ức, ghìm mãi bên trong mà sinh ra nội kết, để rồi ta quay lại cuốn phim ngày hôm qua là tự ta chửi mắng chính mình nên đau khổ càng tăng gấp bội. Có người khi mở miệng ra lời nói như búa bổ trong đầu làm cho người nghe cảm thấy khó chịu và đau khổ vô cùng. Trở lại câu chuyện trên, ngày đầu tiên chú sa di đã đóng gần 20 cây đinh vào hàng rào. Cứ như thế những ngày kế tiếp, chú cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình lại hay nóng giận. Nhờ thường xuyên quán chiếu như vậy nên số đinh chú đóng lên hàng rào ngày một ít hơn. Rồi thời gian cứ thế trôi qua, nhờ sự kiên trì với pháp môn đóng đinh chú nhận ra rằng, nếu bình tĩnh sáng suốt đối đầu mọi việc thì sẽ dễ dàng hơn khi mình nóng nảy, lớn tiếng với ai để rồi phải đóng đinh vào hàng rào.
Trong một gia đình, nếu một trong hai người vợ hoặc chồng nói năng thô lỗ, cộc cằn hay lớn tiếng nạt nộ, chửi mắng, có việc gì xảy ra không hài lòng, như ý thì la lối om sòm, dẫn đến thượng chân hạ cẳng thì trước sau gì gia đình cũng tan vỡ. Khi ta tức giận một ai đó thì không nên mắng xối xả vào người đó, hoặc bằng cách này hay cách khác để hạ nhục người đó. Ở đời ít ai chịu nhục lắm vì đó là sĩ diện của con người, trước mặt bá quan văn võ mà mình bị chà đạp, khinh rẻ, hỏi không nhục làm sao được. Cho nên, người xưa nói, “thà chết vinh hơn sống nhục” là vậy đó. Bậc hiền Thánh khi muốn nói với ai điều gì dù biết rằng người đó có lỗi, nhưng xét thấy không có lợi nên tìm cách nói khác đi để cho ta tự ý thức mà ăn năn, hối lỗi. Thường khi ghét ai ta hay đem chuyện xấu của người đó ra mà nói, nói với lời giận dữ, hằn học, cau có, làm cho đối phương đau khổ. Nếu người đó không dằn nỗi cơn tức tối thì khẫu chiến sẽ xảy ra, nhẹ thì cự cãi lôi thôi, nặng thì thượng cẳng, hạ chân, để rồi dẫn đến tan nát hạnh phúc gia đình. Nói móc họng hay nói xỏ xiên là lời nói sai sự thật, nhưng không nói đích danh người đó, làm cho người nghe biết họ ám chỉ mình mà không có cách nào phản kháng lại được. Khi ta nói móc người trước đám đông làm cho nhiều người cười lên ầm ĩ, ta sẽ làm cho họ đau nhói cả tim gan mà trong lòng ấm ức, để rồi họ ôm ấp mối hận thù chờ cơ hội trả đũa. Nói móc họng xỏ xiên là lời nói xấu tạo thêm ân oán, hận thù, không có lợi gì cho ta. Người bệnh chấp ngã nặng có thể mất ăn mất ngủ vì lời nói của ta, họ ghim vào lòng chờ cơ hội trả thù.
Nhờ kiên trì với pháp môn đóng đinh, chú sa di nhận ra yếu chỉ và biết cách chuyển hóa cơn giận bằng cách nhìn lại tướng trạng của nó ra sao. Khi nhìn lại thì thấy nó mất tiêu và cứ như thế mà kiên trì chuyển hóa chúng. Với tâm từ bi rộng lớn của sư phụ và sự kiên trì chỉ dạy, giờ đây chú đã là một thầy Tỳ kheo chững chạc, không còn nóng nảy và cộc cằn, thô lỗ như xưa. Thầy Tỳ kheo đó giờ đã trưởng thành và phát tâm hoằng Pháp lợi sinh các vùng sâu, vùng xa. Để khích lệ vị đệ tử của mình, sau khi tán thán và khen ngợi, sư phụ mới đưa ra một đề nghị mới, “nếu một ngày trôi qua mà con không làm cho ai buồn phiền thì con hãy nhổ bớt một cây đinh trên hàng rào”. Sau đó, sư phụ liền dắt thầy ra chỗ hàng rào và nói lời an ủi, động viên như sau, “hiện giờ con đã làm rất tốt con ạ! Tuy nhiên, con thấy hàng rào bây giờ không còn trơn sạch như xưa nữa mà bị các dấu đinh làm loang lổ những vết sẹo. Chính những vết sẹo này đã làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của nó thuở ban đầu. Con à, những gì con thốt ra trong lúc nóng nảy, giận dữ sẽ làm cho mọi người đau đớn, khó chịu và vô cùng khổ sở, như những vết thương lòng khó quên vậy đó. Từ đó có thể sinh ra ân oán, hận thù, nhẹ thì chửi mắng, nói xấu nhau, nặng thì “chó le lưỡi, nai vạt móng”. Dù con có nhổ hết đi những cây đinh trên hàng rào thì nó cũng không còn trơn láng, đẹp đẽ như xưa.
Nhân quả nghiệp báo rất công bằng và bình đẳng, nó sẽ không chừa một ai khi hội đủ nhân duyên bằng cách ăn miếng trả miếng. Cho dù chúng ta có nói lời xin lỗi bao nhiêu cũng không thể nào làm cho vết thương lành lặn được. Đó là vết thương lòng khó chữa, dù thân thương như cha mẹ cũng khó mà hàn gắn. Vết thương chỉ có thể lành hẳnkhi chúng ta biết buông xả và mở rộng tấm lòng bằng trái tim hiểu biết, biết cảm thông và tha thứ với tinh thần vô ngã, vị tha. Khi ta thương yêu thì ta sẵn sàng bao bọc, che chở cho nhau và dễ dàng cảm thông, tha thứ. Nếu ta muốn được mọi người quý mến và yêu thương thì hãy nên nói lời dễ nghe, nói lời hòa hợp, nói lời cảm thông, không nên nói lời thô lỗ, cộc cằn, nói lời thị phi, nói lời gian dối để cùng nhau sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Lời nói tế nhị luôn nhẹ nhàng, sâu lắng, nên dễ thuyết phục người nghe; lời nói tế nhị trong lúc sửa lỗi người khác làm cho họ nể phục mà biết ơn sâu sắc. Ta không thể nói năng một cách sỗ sàng vô độ, nói như tạt nước vào mặt họ làm cho người ta điếng cả người, dễ dẫn đến bất hòa, hận thù khó phai. Trong cuộc trò chuyện qua lại với nhau, người nói nhẹ nhàng, từ tốn, chậm rãi luôn nở nụ cười trên môi làm cho người nghe cảm thấy an ổn, vui vẻ và hạnh phúc.
KHÔNG NÊN NÓI ĐÙA CHƠI VÔ ÍCH
Nói chơi hay còn gọi là nói đùa, nói giỡn. Người thường hay nói chơi đến khi sự việc thực tế xảy ra thì có kêu gọi mọi người cũng không ai chịu tin, do đó dễ xảy ra chuyện đau lòng. Nói chơi hay nói đùa quá trớn đôi khi dễ mang họa vào thân. Như có cậu bé kia hay có tật nói chơi, một hôm cậu ta cao hứng vừa chạy vừa la làng, “nhà con bị cháy rồi bà con ơi, ra cứu dùm nhà con”. Mọi người tưởng thiệt, vội vàng co ba chân bốn cẳng phóng nước đại đến nhà cậu bé bất chấp nguy hiểm để chữa cháy. Khi đến nơi, mọi người đều chưng hửng, lúc ấy cậu bé nói tỉnh bơ “con cao hứng nên nói chơi vậy thôi”. Có người phải bỏ việc của mình dở dang nên trong lòng tức tối vô cùng, xài xể cậu bé một hồi rồi bỏ về.Không ngờ vài ngày sau, do cậu bé nghịch ngợm chơi trò đốt đèn nên tai họa bắt đầu ập đến, nhà cháy thiệt, cậu ta hoảng hồn la lên, “cháy nhà bà con ơi, cứu dùm con bà con ơi”. Lúc này nghe tiếng kêu cứu nhưng mọi người tưởng cậu ta đùa cợt như lần trước nữa, nên không ai thèm chạy đến giúp. Cho đến khi căn nhà phát cháy lớn, mọi người chạy đến thì sự thật quá phũ phàng, không còn kịp nữa rồi, chỉ trong thoáng chốc căn nhà đã hoàn toàn bị thiêu trụi. Lời nói chơi rất nguy hại, nếu nói chơi để vui một chút thì không sao, nhưng tốt nhất không nên nói chơi thường xuyên, vì khi nói thiệt thì khó ai tin. Như cậu bé trong câu chuyện trên vì hay nói chơi nên khi có việc hoạn nạn xảy ra, lúc đó nói thiệt thì cũng không ai tin.
Nói chơi hay nói thêm, nói bớt là thái độ sống thiếu nhân cách đạo đức dễ làm cho ta và người dễ hiểu lầm nhau. Có người có tật hay nói thêm, nói bớt để cho vui, nhưng vô tình làm sức mẻ tình cảm với nhau. Họ hay thêm mắm, thêm muối làm cho mọi người nghi ngờ lẫn nhau, có khi dẫn đến tranh cãi,ẩu đả chỉ vì lời nói không đúng. Nói thêm, nói bớt, nói không đúng sự thật để làm người hiểu lầm nhau mà sinh ra oán giận, hận thùlà lời nói của kẻ thiếu hiểu biết, nên người trí sẵn sàng cảm thông và tha thứ. Còn ta nếu có lỡ lầm như vậy thì hãy nên tập nói lời chân thật, chuyện có nói có, chuyện không nói không, hoặc không biết chính xác thì không nên nói, tốt nhất hãy nên nói những gì có lợi cho ta và người, không nên nói những gì làm tổn hại cho nhau. Do đó, trước khi muốn nói điều gì ta phải nên cân nhắc kỹ càng, xem lời nói đó có tác hại cho ai không, xem xét và quán chiếu như thế rồi mới nói và ta chỉ nói những gì cần nói mà thôi chớ không nên nói thêm, nói bớt mà sinh hiểu lầm nhau.
Thường thì khi ghét ai ta hay bươi móc chuyện riêng tư của người đó ra để nói nhằm mục đích hạ nhục người, trả thù người hay để thỏa mãn cơn giận. Khi ghét ai, hay thù ai thì ta lúc nào cũng tìm cách dèm pha, nói xấu, muốn cho người đó khổ đau, muốn cho người đó mất mát. Chúng ta đang sống với nhau mà đói không cho ăn, khát không cho uống, chờ đến lúc người thân qua đời rồi ta mới bày binh bố trận nhưng cũng chỉ để nói khoác lát, khoe khoang với mọi người cho vui. Tôi có người bạn từ phương xa hay nói lời khoe khoang sáo rỗng, thích làm ra vẻ ta đây. Tôi hỏi anh đời sống ở quê nhà thế nào, anh nói cái gì cũng có, chẳng thiếu cái chi. Biết tay này láo phét, tôi mới hỏi chắc xứ anh cà rem nhiều lắm. Anh kể một hơi nào là cà chua, cà pháo, cà cuống, cà cong, riêng cà rem thì ăn không hết nên mới phải phơi khô để dành.
Không nên nói những lời quá cao siêu khi ta chưa làm được, như mình chưa chứng đạo mà dối gạt người nói rằng ta chứng để đươc người cung kính, khen ngợi mà cúng dường. Trong nhà Phật gọi đó là tội đại vọng ngữ, nặng nhất trong các tội nói dối. Người hay ngồi lê đôi mách, nhất là các chị em phụ nữ hay có cái tật hễ xúm lại là nói đủ thứ chuyện trên đời, chuyện gì cũng nói, chuyện đúng chuyện sai, chuyện gì cũng có, chuyện nhà trên xóm dưới, chuyện trong nhà ngoài phố, chuyện nhỏ xé ra to. Bởi vậy có câu châm biến rằng ba người phụ nữ gặp nhau thành cái chợ chồm hổm là có lý. Ở đây chúng tôi nói một số người thôi, chớ không phải quơ đũa cả nắm, mong rằng phái đẹp hãy thông cảm cho. Cũng có rất nhiều chị em phụ nữ không bao giờ ngồi lê đôi mách, họ biết kiệm từng lời ăn tiếng nói để làm đẹp lòng người. Ai có tật nói nhiều hãy nên thận trọng, việc gì cần nói thì nói, còn không thì thôi, không biết thì dựa cột mà nghe, không biết thì phải học hỏi chớ không nên nói càn, nói bướng. Không nên nói lời điêu ngoa, xảo trá, hay bịa đặt thêm bớt nhằm để gạt gẫm, dụ dỗ người khác, khiến người nhẹ dạ cả tin say mê, lầm lạc; không nên phao tin đồn nhảm, chuyện nhỏ xé ra to, chuyện một nói mười, nói để cho bỏ ghét vì không ưa người đó. Người ta mãi mãi hiểu lầm, ghét nhau cũng vì lời nói thổi phồng này, hạng người như vậy ta gọi là hạng người lẻo mép, vấn đề này thường thì phụ nữ nhạy hơn nam giới.
Tôi lúc trước khi chưa đi tu thường hay ra chợ uống cà phê để nhìn ngắm các nàng. Nếu mà có máy ghi âm như bây giờ ghi lại thì than ôi đủ thứ chuyện trên đời. Có nhiều chị em sàng từ hàng này qua sạp nọ mà tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, có khi quên cả giờ nấu ơm cho chồng con ăn. Cho nên vì cái miệng mà hại cái thân, chúng ta hay có tật ngồi lê đôi mách toàn là nói chuyện thiên hạ. Cho nên, sống ở đời chúng ta phải cẩn thận giữ gìn lời nói, lời nói đã thốt ra không bao giờ lấy lại được. Do đó, người xưa dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, lời nói giống như tên bắn đi bay cho đến khi trúng đích; cũng vậy, lời nói khi phát ra giống như đinh đóng vào cột, dù có nhổ cây đinh ra, nhưng cột kia bị loang lổ, không còn trơn láng như bình thường nữa. Thật ra, trong cuộc sống này lời nói giúp mọi người biết yêu thương nhau, biết thông cảm cho nhau để cùng nhau chia vui, sớt khổ; nhưng cũng chính lời nói làm cho mọi người hiểu lầm nhau, gây gổ, chửi mắng nhau và dẫn đến giết hại nhau. Lời nói cũng giống như con dao hai lưỡi vậy, biết nói lời tế nhị, nhẹ nhàng, thì ta và người cùng an vui, hạnh phúc. Tóm lại, nói chơi vui vẻ với nhau một chút thì được, không nên nói chơi thường xuyên, không nên nói thêm, nói bớt, không nên loan tin bậy bạ, không nên nói lời dụ dỗ làm mê hoặc lòng người mà tự làm cho mình chuốc lấy khổ đau và làm cho người khác tổn thương trầm trọng.
HÃY NÊN NÓI LỜI ÁI NGỮ
Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe.
Ái ngữ chính là lời nói dịu dàng, êm ái, ngọt ngào, dễ nghe phát xuất từ lòng từ, từ tấm lòng rộng mở, từ tâm thanh tịnh, trong sáng, từ tâm biết lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm, để sẵn sàng chia vui, sớt khổ. Ái ngữ là lời nói chân thật phát xuất từ đáy lòng nên không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi để lợi dụng người khác, không phải lời nói hoa mỹ để làm siêu lòng người, không phải là lời nói tâng bốc, khách sáo để làm đối phương thích mà hàm chứa dụng ý bên trong. Lời nói ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên, thanh thản cho người nghe. Lời nói ái ngữ có tác dụng an ủi, vỗ về, giúp cho người nóng giận giảm bớt sự sôi sục âm ỉ bên trong, hay chuyển hóa được phiền muộn, khổ đau và lo lắng, sợ hãi. Do đó, khi lời nói được thốt ra có khi tạo được cảm tình tốt đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau. Ta chỉ cần sơ ý, lỡ một lời nói thì có khi hỏng cả việc lớn. Chỉ cần ta lỡ một lời nói là tai nạn ùn ùn kéo đến, chỉ vì người nghe hiểu lầm nên tìm cách hãm hại ta. Chính vì vậy, chúng ta phải cẩn thận trong lời nói, bởi con người thích được khen ngợi, tâng bốc nhiều hơn là bị chê bai. Tai họa xảy đến thường do lời nói mà gây nên tác hại.
Chúng ta biết rằng, ngoài danh và lợi trên thế gian này, con người thường hay tranh chấp với nhau chỉ vì lời nói. Hai người nói chuyện với nhau một lúc, dù là thân thương như vợ chồng mà không nhường nhịn nhau, không biết nhượng bộ nhau, chắc chắn sẽ đưa đến tranh chấp, cãi vã, lời qua tiếng lại và cuối cùng giận nhau. Có người chuyên sống hay nịnh hót, tâng bốc người khác nhằm hưởng lợi cho riêng mình. Thường lời nịnh hót được phát ra từ kẻ dưới quyền, muốn lấy lòng cấp trên, hoặc để được người đó tin dùng nhằm che đậy những thói hư, tật xấu của mình. Một lời khen ngợi thật lòng luôn tăng thêm giá trị trong cuộc sống, làm cho người cảm nhận được niềm vui để sống tốt hơn. Một lời nói nịnh hót nhằm trục lợi cho riêng mình nhưng làm hại nhiều người khác, nói một lời khen ngợi thật lòng luôn giúp cho người càng ngày càng sống tốt hơn. Ngược lại, một lời nói nịnh hót để lấy lòng cấp trên vô tình làm cho người đó luôn sống trong gian dối để gạt người. Ta hãy nên nói thật lòng bằng một lời khen ngợi đúng cách, giúp cho người thêm vui vẻ mà sống tốt hơn. Lời nói thật lòng cao quý bao nhiêu thì lợi nói nịnh hót thấp hèn bấy nhiêu. Người có trí tuệ là người không bị lầm lẫn, không bị mê hoặc vì những lời nói ngọt ngào đầu môi chót lưỡi, không bị bực bội vì những lời nói thẳng thắ trực tính. Thường những lời nói đường mật ngọt ngào, chót lưỡi đầu môi đôi khi dẫn dắt chúng ta đến cạm bẫy không ngờ, đến chỗ tan nát hạnh phúc gia đình, đến chỗ thân tàn ma dại, đến chỗ thân bại danh liệt, đến chỗ tán gia bại sản, đến chỗ tiêu tan sự nghiệp, có khi chết chẳng kịp ngáp, chẳng kịp hiểu tại sao? Những lời nói thật thà, ngay thẳng tuy không được khéo léo làm vui lòng người, nhưng thường giúp đỡ chúng ta tỉnh ngộ, thoát khỏi những cơn mê lầm, không còn vướng vòng si mê, tội lỗi. Khi ta thường xuyên biết quay lại chính mình, ta sẽ dễ dàng bình tĩnh, thản nhiên trước mọi hoàn cảnh, ta mới có thể làm chủ được lời nói, kiểm soát được hành động và chế ngự được tư tưởng của mình; còn khi tâm loạn động, chúng ta càng nói càng tức giận thêm, càng làm càng sai trái thêm, càng suy nghĩ càng rối trí thêm.
Lời nói ái ngữ khác với lời nói thêu dệt. Nói lời thêu dệt là những lời nói sai sự thật hòng để lừa bịp hoặc dụ dỗ người khác để cho người ta ham mà tin theo. Chính vì tâm tham muốn quá đáng mà ta có thể dùng miệng lưỡi ngọt ngào để làm họ siêu lòng mà tin theo mình. Như vậy, chúng ta đồng ý với nhau rằng lời nói rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn lao trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người. Nếu người nào cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, lắm thương đau, không vui vẻ, chẳng bình yên, tức là chính người đó cần phải điều chỉnh lại lời nói cho vừa dễ nghe lại vừa dễ thương. Tại sao như vậy? Bởi chính người đó cũng muốn nghe những lời nói dễ nghe, dễ thương như vậy. Hoặc là người đó cần phải điều chỉnh lại âm thanh cho vừa đủ nghe để khỏi làm phiền lòng người khác đang cần sự yên tĩnh, để tâm hồn được thanh tịnh, hay để nghỉ ngơi được thoải mái. Tại sao lời nói của ta khó nghe? Người đời thường gọi là nói đâm hơi, nói móc họng, nên không có ai muốn kết bạn với mình, không có ai dám làm thân với mình, không có ai dám tâm sự với mình. Tại sao như vậy? Bởi sống ở trên đời đâu có ai thích bị người khác nói chơi, nói móc, nói méo đời tư để cho mọi người đều biết.
Có những lời nói có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho nhiều người. Có những lời nói có thể đem lại sự tan nát hạnh phúc gia đình của người khác. Có những lời nói, làm cho người nghe cảm thấy vui tươi, khỏe khoắn. Có những lời nói khiến cho người nghe cảm thấy khổ đau, phiền muộn, bực tức mà dẫn đến mất ăn, mất ngủ. Lời nói phát xuất từ tâm thanh tịnh, trong sáng có thể giúp người, cứu vật và cũng có những lời nói có thể hại người một cách dễ dàng vì lòng tham của mình. Như lời nói của một vị luật sư có thể cứu người thoát khỏi tội oan nếu vị ấy có lương tâm đạo đức. Ngược lại họ sẽ rút ruột kẻ bị hại và ăn tiền của kẻ phạm. Do đó, làm nghề luật sư phải giữ giới “không nói dối hại người” thì mới xứng đáng làm nghề luật sư. Một vị bác sĩ khéo léo khuyên nhủ, an ủi, động viên có thể giúp bệnh nhân yên tâm dưỡng bệnh, chóng qua hiểm nghèo, sớm được bình phục; bằng như ngược lại, một lời nói vô ýcó thể làm cho bệnh nhân hoảng loạn, sợ hãi, bệnh tình càng thêm trầm trọng. Cũng như lời nói của một nhà ngoại giao có thể đem lại hòa bình cho hai nước và cũng lời nói đó đem lại chiến tranh, hận thù cho nhau. Con người vì sao không ưa thích nhau mà hay làm mích lòng nhau? Chỉ vì không nói lời tế nhị, dịu dàng, ngay cả người thân và gia đình không biết kính trên nhường dưới cũng vì chấp trước cho rằng mình đúng, người sai.
KHÔNG NÊN NÓI LỜI VU KHỐNG HẠI NGƯỜI
Do tâm ganh ghét, tật đố vì nghĩ rằng mình bị mất quyền lợi; từ tâm niệm ích kỷ đó con người luôn tìm cách hại nhau bằng cách vu oan giá họa cho nhau. Ngày xưa, đa số mọi người đều tin theo truyền thống có một ông trời ban phước giáng họa, họ tin theo truyền thống ấy và chấp nhận giao thân phận của mình cho đấng ấy. Nhưng một chàng trai cảm thấy việc ấy như có điều gì không được phù hợp với lòng người, nên đã bỏ hết tất cả sự nghiệp đang có đểra đi học đạo, tìm cho ra lẽ thật hư của cuộc đời. Cuối cùng, chàng đã khám phá ra thân phận của kiếp người do chính mình làm chủ, từ ý nghĩ phát sinh ra lời nói, rồi dẫn đến hành động tốt hay xấu mà cho ra kết quả trong tương lai. Chàng trai đó chính là Thái tử Tất Đạt Đa,người đã dám bỏ hết cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ mà ra đi tìm cầu chân lý.
Sau khi Phật thành đạo, Người tìm ra chân lý sống cho mọi người, giúp con người biết cách làm chủ bản thân, đi ngược lại các truyền thống xa xưa có một đấng ban phước giáng họa. Chính vì nguyên nhân đó mà Phật bị một số người Bà La Môn ganh ghét, tìm cách vu khống nhằm tẩy chay giáo đoàn của Phật. Chúng cho một cô gái xinh đẹp là tín đồ ngoan đạo của họ hằng ngày đến Tịnh Xá nghe pháp. Cứ như thế từ ngày này qua tháng nọ, cô đi đi, về về, ai hỏi cô làm gì thì cô nói tôi đến thăm Sa môn Cồ Đàm. Thời gian thắm thoát trôi qua gần 6 tháng, bỗng một hôm Phật đang thuyết pháp, cô và nhiều vị Bà La Môn đi đến cắt ngang lời Phật rồi nói rằng, “Sa Môn Cồ Đàm nói chuyện hay lắm, nên ngày hôm nay em mới bụng mang dạ chữa như thế này, đã vậy còn không quan tâm, lo lắng cho em tí nào, sao ngài bạc tình bạc nghĩa quá vậy? Cô vừa nóivừa khóc thút thít với cái bụng chà bá, ai trông thấy cung chắc lưỡi thương hại. Thế là các người Bà La Môn lợi dụng thời cơ mắng chửi Phật thậm tệ trước mặt hội chúng rất đông làm mọi người nghi ngờ. Sự việc xảy ra làm cho tín đồ tứ chúng đều ngỡ ngàng hết, họ dường như không tin vào những lời nói ấy. Trong lúc cô và các vị Bà La Môn đang sỉ nhục Phật thì cái bụng bầu giả bất thình lình rớt xuống,cô ta quá xấu hổ, liền bỏ chạy mà cắm đầu xuống hố rồi chết. Những người Bà La Môn nhân cơ hội đó cũng tìm cách bỏ đi, để lại bài học đau thương của cuộc đời, vì lòng tham lam ích kỷ mà con người ta tìm cách mạ nhục, vu khống, rốt cuộc chưa hại được người mà đã tự hại chính mình bằng một cái chết thảm thương. Đó là câu chuyện xảy ra lần thứ nhất và sau đây là câu chuyện xảy ra lần thứ hai có sự ác tâm dã man hơn.
Sự việc cô gái giả làm người có mang để vu oan giá họa cho Phật đã bị thất bại nặng nề càng làm cho nhiều người thêm có lòng tin với Tam bảo. Do tâm ganh ghét, tật đố vì lòng tham lam, ích kỷ, bọn người ngoại đạo bày ra vụ khác cực kỳ ác độc, quyết phen này phải làm sao tẩy chay giáo đoàn của Phật. Tâm con người khi ác thì chẳng ai bằng, còn hơn loài cầm thú gấp trăm ngàn lần, bọn ngoại đạo quyết ăn thua đủ với Phật bằng ván cờ cuối cùng. Họ đã chọn một cô gái xinh đẹp hơn thường xuyên đến nghe pháp tại Tịnh xá, và sau một thời gian chúng tìm cách giết cô rồi đem giấu xác dưới đống rác trong Tịnh xá. Sau chúng trình lên vua quan rằng một tín đồ ngoan đạo của họ bị mất tích. Cuộc tìm kiếm được bắt đầu, sau một ngày không có hiệu quả, một người trong bọn mới tâu với vua rằng cô này hay đến Tịnh xá để nghe pháp, ban chuyên án điều tra được cử đến nơi Phật trú ngụ. Cuối cùng, mọi người phát giác xác cô gái bị chôn dưới đống rác của Tịnh xá, bọn người ngoại đạo liền bỏ xác cô gái lên chiếc xe đi khắp thành Xá Vệ để tung tin cô bị giết trong Tịnh xá của Phật. Lúc bấy giờ, vua Ba Tư Nặc là một Phật tử thuần thành đã có lòng tin sâu với Tam bảo, nên ông biết chắc vụ án này có nhiều nghi vấn do bọn ác tâm tìm cách hại Phật. Trước mắt, để việc điều tra được tốt đẹp, vua ra lệnh tạm thời quý thầy không đi khất thực trong một tuần lễ, rồi ra lệnh cho ban chuyên án rãi khắp các nơi để tìm ra tung tích. Ông biết chắc Phật là bậc đại giác ngộ nên không thể làm chuyện đó. Vụ án tưởng chừng như bế tắc thì tại một quán nọ, bọn giết người đang cùng nhau vui chơi, nhậu nhẹt sau khi lãnh được tiền giết mướn. Do ăn chia không đồng nên bọn chúng lớn tiếng cãi nhau thành ra vụ án được phanh phui, đem lại lòng tin cho mọi người với Phật. Cả bọn bị tóm về để điều tra, chúng khai có một số người Bà La Môn mướn chúng giết cô gái rồi đem giấu trong Tịnh xá với tiền công 500 đồng tiền vàng.
Lời nói là phương tiện để giúp ta và người truyền thông cho nhau những gì ta cần biết, nên khi nói ra điều gì đừng làm cho người khác đau khổ, đó chính là lời nói móc họng. Lời nói móc họng là lời nói móc méo, xuyên tạc sai sự thật, làm cho người khác đau lòng mà không cách nào để phản bác lại được, do đó đành phải ngậm bò hòn làm thinh mà trong lòng rất khổ đau. Nói móc họng, nói phản bác, nói như tát nước vào mặt, nói vu khống để hại người nhằm mục đích thỏa mãn tâm ganh ghét, tật đố, để rồi mình phải chuốc họa vào thân. Cô gái đó thật đáng thương hơn đáng ghét vì si mê, cuồng tín thần tượng thiếu hiểu biết, chưa hại được Phật thì chính mình bị hại trước. Chết như vậy là chết trong nuối tiếc, oan ức, nên khó có thể siêu sinh thoát hóa, do đó thầy trò cùng nhau làm ma vất vưỡng mà bị đọa lạc không có ngày ra. Bọn giết thuê thì lãnh án tù chung thân, riêng những người ác tâm xúi bảo thì bị hành hình ngay liền tức khắc. Nhân quả sẽ không chừa một ai khi hội đủ nhân duyên, hành động ác như thế sẽ trả một giá rất đắc với tòa án lương tâm của mình.
Ngày nay, chúng ta tôn thờ kính trọng Phật vì sự sáng suốt bình tĩnh, không minh oan, tranh cãi lớn tiếng, mà mong mọi người tìm ra manh mối. Không ganh ghét, tật đố, mà còn hay tùy hỷ với việc làm tốt của mọi người thì ta sẽ cảm nhận được niềm vui từ trong trái tim, vì trong ta không có kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Thường người có tài thì hay nóng tính, bởi họ chấp trước và bám víu vào cái ta ích kỷ này, chính vì vậy mà họ muốn chiếm hữu của người khác, chiếm không được thì sinh tâm oán giận, thù hằn, mà tạo ra oan gia trái chủ.
THÍCH ĐẠT MA PHỔ GIÁC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét